Quá trình hình thành và phát triển Ngành Y tế Lào Cai

Ngành Y tế tỉnh Lào Cai: Quá trình hình thành và phát triển

Ty Y tế Lào Cai thành lập theo Nghị định số 490-ZY/T ngày 14/7/1948 của Bộ Y tế. Ban đầu bộ máy Y tế Lào Cai gồm: Ty Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh (tiền thân của bệnh viện tỉnh sau này), thực hiện nhiệm vụ trông nom, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên các cơ quan lâm thời của tỉnh và đồng bào Lào Cai ở nơi đơn vị đứng chân, đồng bào đang sơ tán về huyện Lục Yên. 75 năm qua, ngành Y tế Lào Cai từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ do Đảng bộ, chính quyền tỉnh giao cho, cũng như từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Giai đoạn 1948 - 1954: Tháng 11-1950 giải phóng Lào Cai, các cơ quan hành chính và nhân dân từ nơi sơ tán ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái di chuyển dần về thị xã Lào Cai, bắt tay vào khôi phục kinh tế, củng cố chính quyền cách mạng và đối phó với phỉ và tay sai của thực dân Pháp.

Ngành Y tế Lào Cai chính thức được thành lập trực thuộc Sở Y tế Liên khu X và hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBKCHC tỉnh. Đây là giai đoạn đi từ không đến có, từ chỗ chỉ có 03 cán bộ khi thành lập, đến hết năm 1954 đã có gần 25 cán bộ hoạt động ở Ty và Bệnh viện tỉnh. Thành lập được phòng y tế ở các huyện Bảo Thắng, Bắc Hà, Bản Lầu, Phong Thổ và thị xã Lào Cai; thành lập được một số đội y tế chuyên ngành thuộc Ty Y tế thực hiện tuyên truyền và dập dịch. Từ chỗ chỉ gồm những cán bộ y tế được Trung ương và các tỉnh miền xuôi cử lên, ngành Y tế bắt đầu đào tạo, bồi dưỡng được cán bộ làm công tác y tế cho các cơ quan cấp tỉnh, y tế huyện và xã. Thành lập được bệnh viện tỉnh phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ nhân viên các cơ quan cấp tỉnh và nhân dân thị xã Lào Cai; tổ chức được một số trạm y tế dân công, y tế hỏa xa, y tế xã ở Bảo Thắng, Bắc Hà, Sa Pa, thị xã Lào Cai phục vụ chăm sóc sức khỏe dân công, bộ đội cùng các lực lượng làm nhiệm vụ tiễu phỉ. Bước đầu phát động được phong trào vệ sinh phòng bệnh trong quần chúng nhân dân; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số tin vào khả năng chữa bệnh bằng thuốc, tin vào chính quyền nhân dân, từ bỏ dần tập quán lạc hậu chữa bệnh bằng cúng bái.

Giai đoạn 1955 - 1975: Lào Cai trải qua hai giai đoạn rõ rệt. Năm 1955, dồn sức để kết thúc công tác tiễu phỉ trên địa bàn toàn tỉnh, từ 1956 đến 1975 vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác y tế tập trung vào một số nhiệm vụ lớn như: củng cố, xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó tập trung củng cố, nâng cấp Bệnh viện tỉnh để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho đội ngũ cán bộ công tác tại các cơ quan cấp tỉnh và nhân dân trên địa bàn thị xã tỉnh lỵ, xử lý những ca bệnh khó do tuyến dưới chuyển lên; chăm sóc sức khỏe cho lực lượng dân công xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn; phối hợp quân dân y để chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, dân quân tham gia tiễu phỉ; từng bước xây dựng các cơ sở y tế tuyến huyện, xã; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế…Được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBHC tỉnh, đồng thời với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế trong toàn tỉnh, ngành Y tế đã giành được những kết quả thiết thực, năm sau tiến bộ hơn năm trước.

Đến năm 1975, cơ sở y tế đã phủ khắp cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; các cơ sở y tế hoạt động thường xuyên hơn; đội ngũ thầy thuốc, cán bộ trong ngành được tăng cường gấp nhiều lần, trình độ không ngừng được nâng cao; công tác phòng bệnh được tuyên truyền, vận động rộng khắp hơn, đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân. Vì vậy, hiệu quả công tác phòng bệnh đã thể hiện rất rõ rệt, tần suất để xảy ra dịch bệnh giãn ra, khi có dịch xuất hiện thì nhanh chóng khống chế để không lây lan ra diện rộng, nhanh chóng dập tắt. Công tác khám, chữa bệnh đạt kết quả ngày càng tốt, do trình độ khám chữa bệnh của đội ngũ thầy thuốc không ngừng nâng cao. Nhận thức của người dân, nhất là vùng sâu, vùng cao đã thay đổi căn bản, đại đa số người dân tin dùng thuốc, tin tưởng vào khả năng chữa khỏi bệnh của cán bộ y tế thay vì chỉ cúng bái như trước đây.

Công tác y tế không chỉ chữa trị, nâng cao sức khỏe cho người dân mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao tuổi thọ cho người dân trong tỉnh, góp phần hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản của Đảng bộ tỉnh đề ra.  

Thời kỳ tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976 - 1991): Là giai đoạn hợp nhất ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ thành tỉnh Hoàng Liên Sơn. Với diện tích rộng hơn 14 nghìn km2, 20 đơn vị hành chính huyện, thị xã, trong đó các huyện thuộc tỉnh Lào Cai đều nằm trong diện các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn.

Công tác y tế trong giai đoạn này chủ yếu tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở. Tuyến tỉnh, huyện tăng cường đào tạo, bổ sung lực lượng cán bộ để nâng cấp các bệnh viện, bệnh xá, tổ chức thêm các trung tâm, trạm y tế chuyên khoa. Tuyến cơ sở tập trung xây dựng, củng cố trạm y tế cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, từng bước đáp ứng nhu cầu hoạt động của các trạm y tế xã. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội còn rất nhiều khó khăn nên có xã vẫn chưa xây dựng được trạm y tế, một số xã đã tổ chức được, song vì nhiều lý do khác nhau không thể duy trì hoạt động thường xuyên, thậm chí có xã lại bị tan vỡ. Chiến tranh biên giới phía Bắc (02/1979) đã phá hủy gần như hoàn toàn các cơ sở y tế ở các huyện biên giới, các xã biên phòng. Sau chiến tranh, phải mất khá nhiều thời gian để khôi phục lại. Ngân sách nhà nước đầu tư có hạn, dân nghèo nên sự đóng góp dù rất tích cực, song không đủ nguồn lực để nâng cấp các cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Các hoạt động quân dân y được kết hợp chặt chẽ phục vụ tốt công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu, dân công hỏa tuyến và chăm sóc sức khỏe nhân dân để vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ y tế đã có sự cố gắng vượt bậc để hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần quyết định vào sự tiến bộ của công tác y tế qua từng năm và cả giai đoạn. Đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế không ngừng lớn mạnh, trình độ không ngừng nâng cao. Chất lượng, hiệu quả công tác y tế năm 1991 đã có bước tiến dài so với năm 1976; tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên; bệnh tật được kiểm soát, cơ bản không để phát sinh thành dịch lớn, lan ra diện rộng. Tập quán lạc hậu từng bước bị đẩy lùi, người dân ngày càng tin tưởng và tham gia tích cực vào các hoạt động y tế. Công tác y tế góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh trong từng năm và cả giai đoạn. 

Giai đoạn đầu tái lập tỉnh Lào Cai (1991 - 2000): Những năm đầu tái lập tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh nói chung, trong đó có cán bộ, nhân viên ngành Y tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: từ chưa có nơi làm việc, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thiếu thốn, đồng thời phải ổn định nơi ăn, ở của bản thân gia đình cán bộ, nhân viên; giao thông đi lại còn quá khó khăn; điều kiện về điện, nước sinh hoạt vừa thiếu, vừa tạm thời; lực lượng cán bộ thiếu trầm trọng…Vượt lên những khó khăn đó, cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; bên cạnh đó ngành luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể chính trị- xã hội và sự hợp tác của nhân dân các dân tộc trong tỉnh…Vì vậy, công tác y tế đã đạt được bước tiến rất quan trọng và vững chắc. Nhiều bệnh tật trước đây thường phát sinh thành dịch, nay đã được khống chế, đẩy lùi; tiêm chủng mở rộng thường đạt tỷ lệ trên 95%; cơ sở y tế từ tỉnh đến xã được xây dựng mới, nâng cấp, trang thiết bị được đầu tư ngày càng hiện đại, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc không ngừng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

Ngành Y tế ngày càng khẳng định vị thế đặc biệt quan trọng của mình trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ chính trị do các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, đưa Lào Cai bước vào thời kỳ phát triển nhanh, ổn định.

Giai đoạn 2001-2018: Lào Cai bước vào thời kỳ ổn định, phát triển nhanh, bền vững. Đây là thời kỳ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đã được kiến thiết xong về cơ bản và ngày càng hoàn thiện hơn. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện tích cực qua từng năm; dân trí không ngừng được nâng cao; hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng...tạo ra cơ hội, điều kiện để lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân vượt qua những khó khăn kéo dài nhiều năm, nhất là về nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu, thiếu thốn về cơ sở vật chất...để phát triển cả về lượng và chất, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tiếp tục được đầu tư, nâng cấp; các trạm y tế xã từng bước được xây cấp 4 trở lên, khang trang, sạch sẽ. Các PKĐKKV, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đều được xây dựng kiên cố, mở rộng quy mô giường bệnh, phòng khám, khoa điều trị chuyên sâu. Từ chỗ chủ yếu thành lập các bệnh viện đa khoa, giai đoạn 2001-2018 thành lập thêm một số bệnh viện chuyên khoa ở cấp tỉnh. Quy mô các bệnh viện tuyến tỉnh tăng nhanh; năm 2017 Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có 600 giường bệnh, năm 2018 sẽ tăng lên 700 giường bệnh. Đội ngũ thầy thuốc, nhân viên làm việc tại Bệnh viện tỉnh năm 2017 là 631 người. Bệnh viện Phục hồi chức năng có 49 cán bộ. Bệnh viện Y học cổ truyền có 76 cán bộ. Bệnh viện Nội tiết có 43 cán bộ. Lực lượng cán bộ ngành y tế đã có gần 5.000 người... Đại đa số nhiệt tình, yêu nghề, nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân. Sự chỉ đạo của ngành liên tục có sự đổi mới, hướng tới sự hoàn thiện và nâng cao uy tín, chất lượng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn giành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với ngành Y tế...

Vì vậy, chất lượng hoạt động y tế từ tỉnh đến cơ sở trong giai đoạn này ngày càng được nâng cao; cơ sở khám chữa bệnh, cung ứng thuốc, vật tư y tế phát triển theo nhu cầu thực tế cả công lập và tư nhân; sự tin cậy của người dân vào khả năng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế tăng lên, hầu như không còn tình trạng người dân phải đi sang bên kia biên giới chữa bệnh như một số năm sau ngày tái lập tỉnh. Công tác y tế đã góp phần tích cực vào nâng cao sức khỏe cho cộng đồng, độ dẻo dai, bền bỉ của lực lượng lao động; góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như từng địa phương, đơn vị, đưa Lào Cai tiếp tục ổn định, phát triển nhanh, bền vững.

Giai đoạn 2019 đến nay: Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XVI nhiệm kỳ 2020-2025 về 18 đề án trọng tâm giai đoạn 2020-2025, căn cứ Đề án 07-ĐA/TU về “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới giai đoạn 2020-2025” (Đề án số 07), Ngành Y tế Lào Cai đã tích cực tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực, hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án, xây dựng ngành Y tế Lào Cai hiện đại, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CSSK cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Một số thành tựu của ngành Y tế Lào Cai:

Tổ chức bộ máy được duy trì ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả: Toàn ngành có 30 đầu mối cơ quan, đơn vị y tế, trong đó có 3 cơ quan quản lý nhà nước, 10 đơn vị sự nghiệp tuyến tỉnh (05 bệnh viện, 05 trung tâm chuyên ngành), 17 đơn vị sự nghiệp tuyến huyện (08 BVĐK, 09 trung tâm y tế); có 18 PKĐKKV trực thuộc BVĐK tuyến huyện, 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc trung tâm y tế huyện

Tổng số cơ sở y tế tư nhân: 19. Cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc: 07; cơ sở bán lẻ thuốc: 372 (192 nhà thuốc; 180 quầy thuốc). Tổng số GB (GB từ PKĐKKV trở lên): 3.645, trong đó GB công lập: 3.550, GB tư nhân: 95 (BVĐK tư nhân Hưng Thịnh), đạt 45,7GB/vạn dân.

Tổng số nhân lực y tế toàn tỉnh Lào Cai đến tháng 3/2024: 5.496 người (1.130 bác sỹ, đạt 14,2 bác sỹ/vạn dân; 319 dược sỹ đại học, đạt 3,9 dược sỹ/vạn dân), trong đó nhân lực y tế ngành: 4.107 người (926 bác sỹ, 177 dược sỹ đại học).

Triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số:

Ngành Y tế đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai tích cực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch hữu hiệu; Tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trên 99% người dân trên địa bàn tỉnh. Lũy kế ca mắc COVID-19 toàn tỉnh tính đến hết năm 2023: 189.228 ca (luỹ kế số ca tử vong: 40).

Bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Củng cố vững chắc hệ thống tiêm chủng; tăng số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân ở vùng nông thôn, biên giới, vùng sâu; Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, phát triển y học gia đình. Tỷ lệ trẻ <5 tuổi SDD thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi): 14,4%, đạt 105,6% so với mục tiêu KH Đề án 7; Tỷ lệ trẻ <5 tuổi SDD thể thấp còi (chiều cao/tuổi): 25,9%, đạt 113,5% so kế hoạch Đề án 7. Số ca ngộ độc thực phẩm cấp tính được báo cáo trên 100.000 dân: Số vụ ngộ độc TP: 03, số ca mắc: 22 người mắc, bình quân 2,8 ca/100.000 dân. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 1,2%, tỷ xuất sinh thô: 14,14%o, tỷ số giới tính khi sinh: 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái.

Mở rộng hợp tác y tế, phát triển dịch vụ kỹ thuật, nâng cao chất lượng công tác KCB:

Triển khai thực hiện thường xuyên việc luân phiên cán bộ chuyên môn cho tuyến dưới theo Đề án 1816 của Bộ Y tế. Chú trọng ký kết các chương trình hợp tác y tế với các bệnh viện tuyến trên để chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó có chương trình ký kết hợp tác y tế giữa UBND tỉnh với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Phổi Trung ương. Các bệnh viện tuyến tỉnh, BVĐK các huyện... cũng triển khai chương trình hợp tác y tế với các bệnh viện tuyến trên theo chuyên ngành. Bệnh viện ĐK tỉnh, BV sản nhi, BVĐK Mường Khương là vệ tinh của một số bệnh viện tuyến TW.

Các đơn vị thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật, công xuất sử dụng GB hằng năm đều đạt trên 100%. Nhiều kỹ thuật mới, hiện đại đã được áp dụng thành công như: Mổ xọ não, mổ thay khớp háng, phẫu thuật tinh hoàn ẩn, phẫu thuật tràn dịch màng tinh hoàn, phẫu thuật tạo hình hậu môn sau phẫu thuật hậu môn nhân tạo, phẫu thuật dị tật bàn chân khoèo, điều trị các trường sơ sinh non tháng, bệnh màng trong bằng phương pháp bơm sufactan….

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số: Sở Y tế tham mưu trình UBND tỉnh công bố các TTHC mới, bãi bỏ TTHC cũ, không phù hợp. 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không có khiếu nại, thắc mắc về việc giải quyết TTHC. Tại các bệnh viện, các TTHC đều được thực hiện nhanh chóng, giải quyết nhanh gọn các thủ tục vào viện, xuất viện cho bệnh nhân.

Đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực y tế giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030, thực hiện tốt các nhiệm vụ Đề án 06 của Chính phủ: KCB bằng căn cước công dân gắn chíp đạt 73,52%; thực hiện liên thông dữ liệu giấy KSK lái xe, giấy chứng sinh, giấy chứng tử phục vụ các dịch vụ công thiết yếu tại 100 % cơ sở khám chữa bệnh; Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý tại các cơ sở và kết nối liên thông các phần mềm khám chữa bệnh với phần mềm quản lý sức khỏe, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt trên 94%.

Xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia Y tế, Nông thôn mới:

Thực hiện Quyết định số 1300/QĐ-BYT ngày 09/3/2023 của Bộ Y tế ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2030, ngành y tế đã phối hợp các huyện/thị xã/TP tích cực chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực cho các trạm y tế tuyến xã, hiện đã có xấp xỉ 90% số xã trong toàn tỉnh đủ điều kiện công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia y tế.

Tích cực xây dựng tiêu chí y tế trong Bộ tiêu chí xã NTM, NTM nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Theo phân công của UBND tỉnh, ngành y tế trực tiếp giúp đỡ 04 xã: Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai; xã Bản Cái, huyện Bắc Hà; xã La Pan Tẩn, huyện Mường Khương; xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn. Sở Y tế và các đơn vị đã tích cực phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại các xã khó khăn được UBND tỉnh giao giúp đỡ xây dựng NTM, nhờ đó đời sống kinh tế, xã hội của các xã được nâng lên, đảm bảo tiến độ về đích xây dựng NTM theo kế hoạch.

Các tổ chức Đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả: BCH Đảng ủy Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế, các tổ chức Đoàn thanh niên, Chữ thập đỏ hoạt động thường xuyên, thực hiện tốt vai trò chỉ đạo/phối hợp với chính quyền triển khai nhiệm vụ chính trị, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, phát động triển khai các phong trào thi đua yêu nước, tạo động lực thi đua, tinh thần đoàn kết, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành.

* Các hình thức khen thưởng:

Trong chặng đường lịch sử, cùng với những bức thăng trầm của lịch sử đất nước và địa phương, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh ngành Y tế Lào Cai từng bước vượt qua khó khăn thử thách ngày càng phát triển hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Sở Y tế Lào Cai được Chủ tịch nước tặng Huân chương động hạng Ba (Năm 2007), Huân chương lao động Hạng Nhì (Năm 2012); 

- Nhiều năm liền, Sở Y tế đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Cờ thi đua, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng 34 Cờ thi đua và Bằng khen

- Đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 02 thầy thuốc nhân dân, 74 thầy thuốc ưu tú, 155 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương lao động Hạng 3. Có 3.356 tập thể, cá nhân nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng của UBND tỉnh và Bộ Y tế; 1.063 cá nhân, tập thể nhận Bằng khen của Bộ Y tế với các thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phát huy thành tích đã đạt được, cán bộ công chức, viên chức, người lao động Ngành Y tế tỉnh Lào Cai tiếp tục nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Y tế giao để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước.

 

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập