Không kỳ thị với người mắc bệnh Lao

    Nhắc đến bệnh Lao, nhiều người còn mang nỗi sợ vì nguy cơ lây nhiễm cao và không ít sự kỳ thị. Tôi từng tiếp xúc với không ít bệnh nhân lao, có cả những bệnh nhân là lao động nghèo, có cả công chức, giáo viên và nhiều ngành nghề khác nữa. Đa phần bệnh nhân đều rất ngại khi người khác biết về bệnh tình của mình.Tôi cũng từng biết về một bệnh nhân chỉ vì nỗi sợ những người xung quanh xa lánh, kỳ thị mình mà phải chết tức tưởi. Anh ấy từng là một thanh niên vạm vỡ, khỏe mạnh, có thân hình cường tráng, sức khỏe ít người địch lại nổi. Anh không ngờ rằng, mình có thể mắc bệnh lao và đã âm thầm tự điều trị bằng mọi cách. Anh tìm đến cơ sở y tế khi đã quá muộn và không thể điều trị khỏi do lao kháng thuốc, anh chết khi còn rất trẻ, mới chỉ qua tuổi 30. Điều đáng tiếc là anh đã bỏ qua cơ hội điều trị khỏi của chính mình chỉ vì không thắng nổi sự tự ti, mặc cảm khi mắc bệnh lao.

anh tin bai

Chăm sóc cho bệnh nhân Lao tại BVĐK tỉnh.

    Bác sĩ Trịnh Kim Thành, Trưởng Khoa Lao, BVĐK tỉnh chia sẻ: đa số các bệnh nhân đều đề nghị được giữ kín thông tin bởi họ là người có kinh tế khá giả, có học thức, có địa vị xã hội. Họ đã “tự kỳ thị chính mình” hạn chế về kiến thức và phòng lây nhiễm cộng đồng. Việc giữ kín này đã khiến cho những người tiếp xúc gần không phòng ngừa nên dễ bị nhiễm lao một cách thụ động. Nhưng ngược lại, có những trường hợp điều trị khỏi bệnh Lao sau khi được phát hiện. Đó là bệnh nhân T. X. T, thường trú tại thành phố Lào Cai, sau khi phát hiện mắc Lao, anh đã chủ động tiếp nhận tư vấn, tuân thủ phác đồ điều trị. Anh duy trì cân nặng và khỏe lên trông thấy. Điều đáng “khoe” ở đây là ngay khi nghi ngờ bị mắc bệnh lao, anh đã chủ động đi khám tầm soát và tự phòng lây nhiễm cho người thân, cộng đồng. Đã hơn 10 năm kể từ ngày anh mắc bệnh Lao nhưng vợ và các con sinh hoạt cùng nhưng không ai mắc bệnh lao. Anh không chỉ đeo khẩu trang, ăn uống, sinh hoạt cách ly theo đúng hướng dẫn mà còn nhắc khéo mọi người rằng: Chính mình đang mắc bệnh lao, kể cả khi đã qua giai đoạn nguy cơ lây nhiễm cao để phòng ngừa. Theo anh, chẳng việc gì phải xấu hổ khi mắc bệnh Lao, vì vậy anh đã lấy câu chuyện của chính mình để chuyển tải thông điệp phòng ngừa bệnh lao cho bất cứ ai mà anh tiếp xúc. 

    Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh quản lý và điều trị 265 bệnh nhân lao, tuy nhiên còn nhiều ca mắc lao chưa được phát hiện trong cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh. Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi trực khuẩn lao. Bệnh có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, tuy nhiên thể bệnh lao phổi thường gặp nhất (chiếm 80 - 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.Bệnh lao phổi là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Người khỏe mạnh có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh lao phổi hoặc với chất thải có chứa vi khuẩn lao như: đờm, dãi, nước bọt văng ra do người bệnh ho, hắt hơi hay dùng chung đồ (khăn, bát đũa, chậu,...) với bệnh nhân lao. Tuy nhiên, khi đã được điều trị bằng thuốc chống lao, khả năng lây bệnh rất thấp.Người bị suy giảm miễn dịch như mắc ung thư, nhiễm HIV; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây bệnh, nhất là trẻ em; người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đườngloét dạ dày tá tràng, suy thận mãn; người nghiện ma túy, rượu, thuốc lá; người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticosteroid, hóa chất điều trị ung thư…là những đối tượng dễ mắc bệnh Lao.

    Để dự phòng Lao, với người chưa mắc bệnh, cần tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ ngay tháng đầu sau sinh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; Sử dụng khẩu trang khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh; Che miệng khi hắt hơi và rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người mắc lao phổi và giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Đối với người mắc bệnh lao phổi cần đeo khẩu trang, khi ho, hắt hơi phải che miệng, khạc đờm vào chỗ quy định, đờm hoặc các vật chứa nguồn lây bệnh phải được xử lý đúng phương pháp; Tuân thủ điều trị; Cần đi tái khám mỗi tháng 1 lần; Tận dụng ánh nắng mặt trời cho nơi ở và các vật dụng của người bệnh vì vi khuẩn lao bị mất khả năng gây bệnh dưới ánh nắng mặt trời. Bác sĩ Thành cho biết thêm.

    Trong Chương trình chống lao Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Bệnh Lao có thể chữa khỏi hoàn toàn và có thể tránh lây nhiễm cho người xung quanh nếu tuân thủ đúng cách phòng tránh. Để đạt được mục tiêu này, rất cần thay đổi về tư duy ở mỗi người, xóa bỏ bằng được rào cản kỳ thị của chính bệnh nhân và cộng đồng đối với  bệnh lao.

Hồng Tấm

 

 

 

 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập