NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG

Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được các tổ chức quốc tế xếp ở thứ tư trong mười thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ 20. Tiêm chủng góp phần giảm hai đến ba triệu trẻ em chết hằng năm; thanh toán đậu mùa năm 1979; giảm số ca mắc bại liệt từ 350 nghìn ca bệnh ở 125 nước (năm 1988) xuống còn 37 ca (năm 2016), và đang tiến tới thanh toán bại liệt trên toàn thế giới vào năm 2018; dự kiến giảm hơn 80% số trường hợp chết do sởi so với năm 2000; giảm đáng kể số trẻ chết vì các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, cúm tuýp A, viêm màng não do não mô cầu tuýp A, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do Hib… Tổ chức Y tế thế giới ước tính, nếu tất cả vắc-xin sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ hơn 90%, thì hằng năm có thể dự phòng cho hai đến ba triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh truyền nhiễm.

Tại Việt Nam, sau hơn 30 năm triển khai Chương trình TCMR đã giúp khoảng 6,7 triệu trẻ em không mắc các bệnh truyền nhiễm (uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà, bại liệt), và giảm được 42.900 trường hợp tử vong do các bệnh nêu trên. Bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thực tế trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, các vắc-xin đang được sử dụng là rất an toàn, hiệu quả cao. Kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vắc-xin xảy ra ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, không liên quan chất lượng vắc-xin, mà chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng như nhiễm trùng huyết, viêm não - màng não, viêm phổi,…

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc không đưa trẻ đi tiêm chủng, sẽ dẫn đến dễ mắc bệnh truyền nhiễm, hậu quả là trẻ bị tàn phế, thậm chí tử vong. Nếu dừng tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ làm dịch bệnh bùng phát.

Một số loại vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Lào Cai

Vắc xin phòng bệnh lao: Bệnh Lao có thể phòng được bằng cách tiêm vắc xin BCG, tiêm càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh hoặc trong vòng 1 tháng sau sinh.

Vắc xin phòng bệnh Viêm gan B: Để phòng bệnh lây từ mẹ sang con tốt nhất tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh.

Vắc xin 5 trong 1 hay còn gọi là Quinvaxem (Một mũi tiêm phòng được 5 bệnh): Bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não. Đây là 5 bệnh rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi bị bệnh nếu không được chữa trị kịp thời bệnh nhân có thể để lại nhiều di chứng hoặc tử vong

Để phòng 5 bệnh nguy hiểm này cần tiêm vắc xin 5 trong 1(Quinvaxem) theo đúng lịch như sau:

- khi trẻ đủ 2 tháng tuổi cho trẻ đi tiêm lần thứ nhất

- Khi trẻ đủ 3 tháng tuổi cho trẻ đi tiêm lần thứ hai

- Khi trẻ đủ 4 tháng tuổi cho trẻ đi tiêm lần thứ ba

Vắc xin phòng bệnh Bại liệt: cần uống đủ 3 liều vắc xin bại liệt (OPV) khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi (Cùng với khi tiêm vắc xin 5 trong 1) và trong các chiến dịch uống vắc xin bại liệt bổ sung.

Vắc xin phòng bệnh sởi: khi trẻ đủ 9 tháng đến 11 tháng tuổi cho trẻ đi tiêm vắc xin Sởi. Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và bệnh rubella (MR).

Vắc xin phòng bệnh Rubella: khi trẻ đủ 18 tháng cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi –rubella (Một mũi tiêm phòng được 2 bệnh)

Vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản B: trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật bản theo lịch sau:

-  Đủ 12 tháng tuổi tiêm mũi 1

- Mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 7 đến 14 ngày

- Mũi 3 tiêm cách mũi 2 một năm

          Vắc xin phòng bệnh uốn ván cho phụ nữ:

- Mũi 1 tiêm khi phát hiện có thai, hoặc nữ 14 lên 15 tuổi (học sinh lớp 9)

- Mũi 2 cách mũi một 1tháng

- Mũi 3 cách mũi hai 6 tháng hoặc khi có thai lần sau

- Mũi 4 cách mũi ba 1 năm hoặc có thai lần sau

- Mũi 5 cách mũi bốn 1 năm hoặc có thai lần sau

Minh Minh

TT Kiểm soát bệnh tật

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập