Bỏng là gì?
Bỏng là vết thương trên da hoặc các mô hữu cơ khác, gây đau đớn do năng lượng nhiệt, điện, hóa học hoặc điện từ, bức xạ hoặc ánh nắng mặt trời. Hầu hết các vết bỏng đều xảy ra do tai nạn (vô tình). Có nhiều mức độ bỏng khác nhau. Bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của vết thương dựa trên độ sâu và lượng da/vùng da bị ảnh hưởng. Vết bỏng có thể gây đau đớn. Nếu không được điều trị, vết bỏng có thể dẫn đến nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và tử vong.
Những tác nhân gây bỏng thường gặp trong sinh hoạt
Những tác nhân gây bỏng thường gặp trong sinh hoạt gồm:
Bỏng nhiệt xảy ra khi một số hoặc tất cả các tế bào trên da hoặc các mô khác bị phá hủy bởi:
Chất lỏng nóng (bỏng do nước sôi, súp, dầu nón...).
Chất rắn nóng (bỏng tiếp xúc) ngọn lửa (bỏng lửa).
Các tác nhân khác bao gồm tiếp xúc với:
Hóa chất, như xi măng, axit hoặc chất tẩy rửa mạnh.
Bức xạ.
Điện.
Mặt trời (tia cực tím hoặc tia UV).
Các dấu hiệu nhận biết bỏng theo từng cấp độ
Dựa trên mức độ tổn thương, bỏng được chia thành 4 mức độ, từ nặng đến nhẹ. Mỗi mức độ có các dấu hiệu nhận biết khác nhau. (2)
1. Cấp độ 1
Bỏng cấp độ 1 là vết bỏng nhỏ, ảnh hưởng đến lớp ngoài của da (biểu bì). Các dấu hiệu nhận biết bỏng là vùng da bị bỏng chuyển sang màu đỏ, gây đau, rát. Cảm giác đau rát biến mất nhanh chóng.
2. Cấp độ 2
Bỏng cấp độ 2 gây tổn thương lớp biểu bì và hạ bì với các dấu hiệu nhận biết như:
Vết bỏng sưng tấy.
Vùng da bị bỏng chuyển màu (đỏ, trắng hoặc có đốm).
Đau, rát dữ dội.
Phồng rộp.
Mụn nước phát triển và có thể lan rộng.
Bỏng độ 2 cần được can thiệp và điều trị y tế, sau điều trị vết bỏng thường để lại sẹo.
3. Cấp độ 3
Bỏng độ 3 gây tổn thương tất cả các lớp da, đôi khi tổn thương sâu đến lớp mỡ dưới da. Vết bỏng cũng phá hủy nang lông và tuyến mồ hôi. Vì bỏng độ 3 làm tổn thương các đầu dây thần kinh nên nạn nhân có thể sẽ không cảm thấy đau ở vùng bị bỏng mà đau ở ngay gần đó. Da bị bỏng có thể có màu đen, trắng hoặc đỏ với bề ngoài sần sùi.
4. Cấp độ 4
Bỏng độ 4 làm tổn thương xương, cơ hoặc gân. Chỗ bỏng có màu trắng hoặc cháy thành than. Không có cảm giác ở khu vực này vì các đầu dây thần kinh đã bị phá hủy. Đây là trường hợp khẩn cấp, nạn nhân cần được đưa đến cấp cứu ngay.
Hướng dẫn cách sơ cứu bỏng ở từng trường hợp chi tiết
Cách sơ cấp cứu xử lý vết bỏng cần tuân thủ các nguyên tắc y tế chung trong sơ cứu tai nạn bỏng, cụ thể:
Đầu tiên phải tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng hoặc loại bỏ tác nhân gây bỏng trên da.
Kiểm tra ý thức nạn nhân: còn tỉnh không, tim còn đập không, nạn nhân còn thở không.
Với vết bỏng nhẹ, tổn thương nông, cần để vùng da dưới vòi nước mát trong ít nhất 20 phút.
Sử dụng khăn sạch, mềm, hoặc gạc y tế vô trùng thấm bớt nước.
Đưa nạn nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Đối với các trường hợp cụ thể, trước khi áp dụng các cách sơ cứu xử lý vết bỏng cần xác định được tác nhân gây bỏng. Sau đó, tiến hành thực hiện các thao tác sơ cấp cứu phù hợp với từng nguyên nhân, cụ thể:
1. Cách sơ cứu xử lý vết bỏng do điện
Bước 1: ngắt nguồn điện tiếp xúc với nạn nhân (ngắt cầu dao hoặc dùng các vật dụng không dẫn điện để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện).
Bước 2: hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân có dấu hiệu ngưng thở.
Bước 3: đưa nạn nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
2. Cách sơ cứu xử lý vết bỏng do hóa chất
Bước 1: loại bỏ hết quần áo tại vùng da bị tổn thương,
Bước 2: nhanh chóng rửa vùng da dưới vòi nước sạch.
Bước 3: đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay lập tức.
3. Cách sơ cứu xử lý vết bỏng do lửa
Bước 1: tách nạn nhân ra khỏi vật cháy, đám cháy.
Bước 2: cởi bỏ quần áo đang cháy ra khỏi người nạn nhân. Tuyệt đối không cố gỡ quần áo dính vào vết bỏng.
Bước 3: ngâm vùng da bị tổn thương trong nước lạnh hoặc để dưới vòi nước sạch trong ít nhất 20 phút. Trường hợp tổn thương toàn thân, không được ngâm nước mà phải đi cấp cứu ngay.
Bước 4: giữ ấm cơ thể nạn nhân, phải đảm bảo nạn nhân được duy trì thân nhiệt ở mức tối thiểu 35 độ C.
Bước 5: đưa nạn nhân đi cấp cứu.
4. Cách sơ cứu xử lý vết bỏng do nhiệt
Bước 1: loại bỏ tác nhân gây bỏng khỏi người nạn nhân, tháo bỏ trang sức, quần áo,… tại khu vực gần vết thương. Nếu quần áo dính vào vết bỏng tuyệt đối không gỡ ra.
Bước 2: đánh giá ban đầu tình trạng nạn nhân bằng cách kiểm tra hô hấp, tuần hoàn, chấn thương kết hợp. Nếu nạn nhân bị suy hô hấp hoặc ngưng thở, cần được hô hấp nhân tạo ngay.
Bước 3: nếu nạn nhân tỉnh táo và không có chấn thương nào khác kèm theo, cần sơ cứu vết bỏng bằng cách ngâm hoặc để vùng da dưới vết thương dưới vòi nước mát, trong ít nhất 20 phút, cho đến khi vết thương giảm đau rát.
Bước 4: che phủ vết thương bằng gạt sạch hoặc màng bọc thực phẩm.
Bước 5: giữ ấm cho nạn nhân để duy trì thân nhiệt, không để cơ thể người bệnh mất nhiệt, mất nước.
Bước 6: đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Quan trọng nhất, dù áp dụng cách sơ cứu xử lý vết bỏng trong trường hợp nào cũng cần tuân thủ thực hiện đúng nguyên tắc và quy trình sơ cứu, điều này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương lan rộng. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu vết bỏng, không tự ý điều trị tại nhà.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai