Cảnh báo ngộ độc do sâu Ban Miêu - Loại côn trùng cực độc, có thể dẫn đến tử vong
Sâu Ban Miêu có tên tiếng Anh (Cantharis vesicatoria) là loài côn trùng có hình dáng giống bọ cánh cứng, thân dài 15–20 mm, thường có màu xanh đen, xanh ánh kim hoặc đen pha vàng với các đốm đặc trưng. Trong Đông y từng sử dụng để làm vị thuốc chữa bệnh nhưng y học hiện đại xác định đây là loài cực độc, chứa cantharidin chất không bị phá hủy khi nấu chín, có khả năng gây hoại tử nội tạng, tử vong nhanh chóng nếu ăn hoặc tiếp xúc với lượng nhỏ.
Tại tỉnh Lào Cai trong 2 năm gần đây đã xảy ra 02 trường hợp ngộ độc, nhập viện do ăn sâu Ban Miêu và đã có trường hợp tử vong, thậm chí sâu Ban Miêu từng bị sử dụng như bài thuốc “kích dục” hay “cường dương” do tác dụng gây xung huyết dương vật, tiểu tiện rát nóng, dễ bị hiểu nhầm là tăng sinh lý, tuy nhiên, đây là hiện tượng viêm kích thích độc tính, không phải là tăng ham muốn thực sự.
Hình ảnh sâu Ban Miêu
Triệu chứng ngộ độc sâu Ban Miêu
Khởi phát nhanh (15–60 phút sau ăn), diễn biến nặng: Rát họng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu; tiêu chảy dữ dội, phồng rộp miệng – lưỡi; tiểu ít, tiểu ra máu dẫn đến suy thận cấp; sốt cao, vàng da, mạch nhanh, co giật, hôn mê; tử vong do suy đa tạng. Chỉ cần 1 đến 2 con cũng có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Cách sơ cứu ban đầu khi nghi ngờ ngộ độc
Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà, nếu nạn nhân còn tỉnh táo có thể cho uống nhiều nước lọc để pha loãng độc tố; không tự gây nôn, không cho uống sữa, mật ong hay thuốc dân gian, đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, ưu tiên khoa Hồi sức – Chống độc.
Khuyến cáo phòng ngừa
1. Tuyệt đối không ăn các loại côn trùng lạ, kiểm tra kỹ rau củ quả khi sử dụng để không lẫn sâu ban miêu trong thực phẩm. Không nhầm lẫn với các loài bọ cánh cứng ăn được, như châu chấu hay nhộng. Không sờ tay trực tiếp vào bọ có thể tiết chất gây phồng rộp da
2. Không ăn hoặc sử dụng làm thuốc dưới mọi hình thức.
3. Khi nghi ngờ bị ngộ độc sâu Ban Miêu, hãy nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
4. Tuyên truyền trong cộng đồng để người dân nhận biết và tránh nhầm lẫn sâu Ban Miêu với các loại côn trùng ăn được khác.
Sâu Ban Miêu là loài cực độc, từng gây nhiều ca tử vong ở Gia Lai, Sơn La, Nghệ An... và tỉnh Lào Cai. Những quan niệm sai lầm như dùng sâu này để “cường dương” không chỉ không có cơ sở khoa học, mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Bộ Y tế tuyệt đối không cho phép sử dụng sâu Ban Miêu làm thuốc, kể cả Đông y.
Thu Hoài