Cảnh giác với những quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai quy định
Hiện nay, việc các tổ chức, cá nhân quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội và các hội nghị, hội thảo đang diễn ra rất phổ biến. Mặc dù đây là hoạt động được phép thực hiện khi được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận, tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã thực hiện quảng cáo sai quy định, gây hiểu nhầm để bán hàng thu lợi bất chính. Trước tình hình trên, Sở Y tế Lào Cai khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với những hành vi sau:
- Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh: “Điều trị bệnh”, “Chữa khỏi bệnh”, “Giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “Sản phẩm duy nhất chữa được bệnh…”
- Sử dụng hình ảnh, trang phục bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm;
- Sử dụng thiết bị, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bài viết của bác sỹ để quảng cáo thực phẩm;
- Sử dụng thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm;
- Tự xưng là bệnh nhân đã sử dụng sản phẩm và khỏi bệnh để quảng cáo thực phẩm…
Cảnh giác với những quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau đây khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh.
2. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
3. Không tin vào những lời quảng cáo quá đà trên mạng xã hội.
4. Đọc kỹ thành phần, công dụng của sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
5. Chọn mua hàng có thương hiệu uy tín, tránh mua hàng trôi nổi trên mạng, đặc biệt là hàng không rõ nguồn gốc, không đầy đủ thông tin, không đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Khi bị bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Thanh Huyền