Mùa đông, việc đốt than củi, than hoa hay than tổ ong để sưởi ấm đã trở thành một thói quen phổ biến ở nhiều nơi. Tuy nhiên, đây là thói quen nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người. Nguyên nhân gây ngộ độc là khi đốt than, củi trong phòng kín, carbon monoxide liên kết với hemoglobin để tạo ra một phân tử gây cản trở khả năng vận chuyển và sử dụng oxy của cơ thể, đặc biệt là trong não. Do đó, các triệu chứng thường giống như các tình trạng khác thiếu oxy ảnh hưởng đến não bộ, ví dụ như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi.
Đốt than sưởi ấm trong mùa đông tiềm ẩn sự nguy hiểm
Khi quá trình ngộ độc carbon monoxide diễn ra, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, nhưng vẫn cực kỳ mơ hồ và khó xác định cụ thể, bao gồm mất ý thức, khó thở, tức ngực, nôn mửa nhìn mờ hoặc nhìn đôi, mất tỉnh táo. Hiện chưa xác định được khoảng thời gian từ khi triệu chứng đau đầu xuất hiện cho tới khi bạn bị mất ý thức.
Theo các chuyên gia y tế, tiếp xúc lâu dài với nồng độ carbon monoxit cao hoặc ngay cả khi mức độ không cao, nhưng phơi nhiễm tiếp tục trong nhiều ngày hoặc vài tuần có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi, bệnh cơ tim và các vấn đề về thần kinh lâu dài. Tổn thương não là một tổn thương nặng thường gặp khi bị ngộ độc khí carbon monoxide. Bệnh nhân có thể phát triển các biến chứng thần kinh, khó tập trung, mất trí nhớ, run, khó nói… cùng lúc với ngộ độc carbon monoxide hoặc sau đó.
Đốt than, củi sưởi ấm dẫn đến cái chết "thầm lặng"
Đốt than trong phòng ngủ, nhà chật hẹp lại đóng kín cửa, việc cháy sẽ đốt hết khí oxy, sản sinh ra khí CO gây ngộ độc. Với đặc điểm của khí CO là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ. Người ngộ độc khói than sẽ từ từ rơi vào trạng thái vô thức rồi dẫn đến tử vong, đó là điều rất nguy hiểm dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm do dùng than sưởi trong phòng kín.
Ngộ độc khí than là bệnh cảnh điển hình của thiếu oxy não, trong khi các tế bào chất xám chỉ huy mọi hoạt động của con người, rất nhạy cảm với tình trạng thiếu ôxy. Vì vậy, khi ngộ độc khí than, các tế bào này sẽ tổn thương trước.
Đốt than, củi sưởi ấm dẫn đến cái chết "thầm lặng"
Quá trình nhiễm độc khí xảy ra rất nhanh, khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có điều gì đó "bất thường" cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. trường hợp ngộ độc nặng thường sẽ dẫn tới tử vong, trường hợp nhẹ sẽ gây nên nhưng tổn thương não khó hồi phục nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Di chứng thần kinh, tâm thần gặp ở nhiều trường hợp ngộ độc CO, sau khi hồi phục người bệnh thay đổi tính cách, giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt nửa người, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Những biểu hiện này được gọi là hội chứng thần kinh - tâm thần muộn, chiếm tới 40% trường hợp nạn nhân bị ngộ độc khí CO.
Để phòng tránh ngộ độc, phải dùng than đúng cách. Không đốt than, củi trong nhà, phòng kín, trong lều, không cho động cơ xe máy, ôtô nổ máy trong phòng kể cả khi mở cửa. Bên cạnh việc sưởi ấm bằng bếp than thì việc sưởi ấm bằng máy sưởi, quạt sưởi cũng có thể có nguy cơ gây nguy hiểm, bởi tia hồng ngoại mang nhiệt được toả ra từ các thiết bị này sẽ gây khô da, khô niêm mạc mũi và có thể gây bỏng, nếu không cẩn thận còn có thể gây hoả hoạn. Vì vậy, khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm, người dân phải hết sức chú ý để đảm bảo an toàn.
Cách dùng thiết bị sưởi mùa đông an toàn:
1. Không để nhiệt độ quá cao
Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, nhiều người sử dụng máy sưởi bằng cách bật nhiệt độ rất cao để có cảm giác ấm nóng. Tuy nhiên, cũng giống như sử dụng điều hòa vào mùa hè, sự chênh lệch quá lớn nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nhiệt độ tốt nhất là chỉ chênh lệch so với nhiệt độ ngoài trời từ 5-10 độ C. Bên cạnh đó, trong khi bật máy sưởi, nên để hé cửa phòng để không khí được lưu thông, giảm tình trạng mắc các bệnh về đường hô hấp.
2. Không để máy sưởi cạnh giường ngủ
Để máy sưởi sát giường ngủ rất nguy hiểm, có thể dẫn đến cháy, nguy hiểm tính mạng. Đã từng có trường hợp xảy ra hỏa hoạn do để quạt sưởi trong màn. Do đó nhất thiết không được để quạt sưởi ở gần giường, chăn màn. Khoảng cách an toàn để sử dụng máy sưởi là cách giường hoặc cách người từ 1,5-2m. Nên đặc biệt lưu ý khi nhà có trẻ nhỏ bởi trẻ rất dễ bị bỏng nếu ở gần, chạm vào quạt sưởi.
3. Không nên bật thiết bị sưởi quá lâu
Mùa đông, nhiều gia đình có xu hướng bật máy sưởi, quạt sưởi hoặc điều hòa 2 chiều liên tục mỗi khi trời quá lạnh. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi các thiết bị sưởi được cấu tạo bằng các dây đốt nóng, nếu cắm điện quá lâu sẽ rất dễ gây cháy, chập điện. Tốt nhất chỉ bật máy sưởi khi nào cần thiết phải sưởi ấm. Khi nhiệt độ trong phòng đã đủ ấm thì nên tắt đi.
4. Vệ sinh thiết bị sưởi đúng cách
Các thiết bị sưởi ấm rất dễ bám bụi bẩn. Những bụi bẩn này sẽ làm các chi tiết bên trong quạt dễ bị chập cháy. Do vậy, trước khi lấy máy sưởi ra sử dụng, cần phải kiểm tra các chi tiết an toàn, có vấn đề gì không, vệ sinh sạch sẽ rồi mới sử dụng. Hết mùa lại cất đi bằng cách vệ sinh sạch, cho vào túi nilon hoặc cho vào hộp đóng kín. Tránh tình trạng để bụi bẩn lâu ngày làm oxy hóa các chi tiết của máy.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai